Với bất kì một loại máy móc điện tử nào cũng đều có những thông số kỹ thuật riêng biệt, máy in hay các loại máy văn phòng cũng vậy. Không giống như các thuật ngữ máy tính vốn đã quá phổ biến với hầu hết chúng ta từ các thuật ngữ về máy in như DPI, ngôn ngữ in, bộ nhớ… vẫn còn hơi xa lạ với 1 số bạn. Việc đi sắm sửa máy in nhưng lại không biết rõ về các loại thông số kỹ thuật của  máy rất dễ khiến cho bạn băn khoăn không biết chọn loại  máy nào cho phù hợp với mục đích của mình. Trong bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thuật ngữ đó để bạn có cái nhìn chính xác hơn khi mua 1 chiếc máy in nào đó cũng như ít bị đánh lừa hơn bởi ma trận thông số mà nhà sản xuất đưa ra.

Độ phân giải hay DPI (dots per inch):
   Phương thức hoạt động của máy in khá đơn giản, nó sẽ phủ một lượng mực nhỏ vào 1 bề mặt vật thể (ở đây là giấy in), mỗi 1 đơn vị mực gọi là hạt (dot). Thông số DPI cho biết máy in có khả năng phủ bao nhiêu hạt mực lên 1 inch vuông. Bởi vì hình ảnh và các dòng chữ trên giấy in được tạo ra bởi các hạt mực này nên về mặt lý thuyết, mật độ trên 1 inch vuông của các hạt mực càng lớn (tức DPI càng cao hay thể tích của 1 hạt mực càng nhỏ) thì máy in đó càng tốt.

   Hãy luôn nhớ rằng chất lượng bản in cuối cùng phụ thuộc nhiều vào nhân tố khác hơn là DPI. Lấy ví dụ, các máy in phun sẽ “bắn” các hạt mực lỏng vào tờ giấy nên chất lượng bản in phụ thuộc rất nhiều vào giấy in, nó có thể bị lem màu hay mờ ở các góc. Trong khi đó, các máy in laser lại có chất lượng in ở các góc sắc nét hơn nhiều vì tia laser sẽ chiếu những gì cần in lên trống từ, trống từ nay sẽ quay qua ống mực để hút mực vào đúng vị trí đó đồng thời giấy cũng cuộn qua trống từ để bám vào giấy.

   Hơn nữa, rất nhiều các nhà sản xuất máy in công bố 1 thông số gọi là DPI tối ưu (optimized DPI) bằng cách sử dụng một loạt các kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như cho đầu in chạy qua chạy lại nhiều lần tại 1 điểm… Thông thường, với các biện pháp này thì chất lượng in sẽ được nâng cao hơn rất nhiều nhưng người dùng sẽ phải trả giá bằng tốc độ và lượng mực in tiêu thụ

Cuối cùng, khi tìm hiểu bất cứ máy in nào thì bạn thường thấy nó có kiểu độ phân giải là aaaa x bbbb (ví dụ 2400 x 1200), trong đó aaaa là độ độ phân giải theo chiều ngang còn bbbb là theo chiều dọc. Một số máy lại có độ phân giải kiểu aaaa x aaaa (ví dụ 1200 x 1200). Sự khác biệt ở đây là do sự sắp đạt đầu in của các nhà sản xuất khác nhau cũng như cơ chế dịch chuyển giấy sao cho cân bằng nhất giữa tốc độ, chất lượng cũng như chi phí của 1 bản in. Thực tế thì các driver điều khiển máy in sẽ tự động điều chỉnh chất lượng bản in và bạn sẽ không thấy nhiều sự khác biệt.

Màu sắc:
   Khi so sánh 2 chiếc máy in, bạn không chỉ phải quan tâm đến độ phân giải mà còn phải nghĩ về số màu sắc độc lập mà chiếc máy in đó có thể in lên 1 tờ giấy nào đó ở 1 vị trí bất kỳ. Các máy in laser và máy in phun giá rẻ chỉ có 4 màu cơ bản. Do vậy mà ở cùng 1 DPI, độ rộng màu sắc mà những máy in này tái tạo sẽ hẹp hơn rất nhiều so với những máy in mắc tiền hơn hỗ trợ 5,6 hay thậm chí là 7 hộp màu riêng biệt. Các máy in sử dụng kỹ thuật in thăng hoa là “vô đối” trong việc hiển thị màu vì nó có thể hoà trộn mực với giấy và tái tạo một lượng gần như không giới hạn màu sắc.

Tốc độ:
   Tốc độ của máy in thường được miêu tả bằng đơn vị pages per minute (ppm-số trang trong 1 phút). Dù cho cách đo này có vẻ rất dễ hiểu và công bằng nhưng thật đáng tiếc khi mà không nhà sản xuất nào thật sự công bố cho chúng ta cách mà họ định nghĩa Pages là gì. Hầu hết các nhà sản xuất đều cho biết tốc độ in được thử nghiệm trên 1 tờ giấy có kích thước phong thư với lượng mực in phủ khoảng 5%. Vấn đề ở đây là vị trí mà mực in được phủ cũng như độ phức tạp (hình ảnh…) cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ của bản in. 

   Thông thường, các máy in phun có đầu mực di chuyển theo chiều ngang nên nếu những gì được in tập trung ở 1 cụm vị trí nào đó thì tốc độ sẽ được tăng rất nhiều. Trong khi đó, các máy in laser phải dùng tia laser vẽ lên trống từ trước khi in nên nếu gặp hình ảnh phức tạp thì thời gian in cũng sẽ dài hơn là chỉ văn bản đơn thuần. Mặt khác, khi ở chế độ in nháp thì tốc độ cũng nhanh hơn rất nhiều so với in ở chất lượng cao và thông thường thì các nhà sản xuất chỉ cung cấp cho chúng ta tốc độ in ở chế độ này mà thôi.

   Ngoài ra bạn còn có thể bắt gặp các ký hiệu tượng tự về năng suất in ấn khác như images per minute (ipm- số lượng ảnh mà máy có thể in trong 1 phút).

Cường độ sử dụng:
   Một trong những con số khác bạn nên cân nhắc chính là số lần in được thực hiện trong 1 tháng. Con số này thể hệ số bản in ước tính mà 1 chiếc máy có thể in được trong 1 tháng dựa vào số trang giấy có thể lưu trữ trong khay, hệ thống tản nhiệt của máy in, chất lượng và tính đàn hồi của các thành phần cơ khí trong máy….

   Tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng cũng như dòng máy mà số lần in tối đa trong 1 tháng có thể khác nhau rất nhiều, từ 3000 trên các máy dân dụng cho đến 100.000 của các máy chuyên dụng. Bên cạnh số trang in tối đa thì bạn cũng nên quan tâm đế các thông số khác như chi phí trên 1 trang in hay giá của các linh kiện thay thế trong trường hợp nó bị hư.

Bộ nhớ:
   Cũng giống như một chiếc máy tính cần bộ nhớ của chip đồ hoạ để hiển thị lên màn hình, một máy in laser cũng cần bộ nhớ để biên dịch các lệnh nhằm tạo ra trang in. Chính điều này đã làm cho RAM của máy in trở nên rất quan trọng. Nếu bộ nhớ thấp thì máy in có thể sẽ từ chối các lệnh in những trang quá phức tạo trong khi bộ nhớ RAM nhiều sẽ giúp máy lưu trước được nhiều lệnh hơn và tăng tốc độ in lên. Các máy in màu sẽ cần nhiều bộ nhớ hơn do lượng thông tin trên 1 hạt mực nhiều hơn tối thiểu là 4 lần. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý rằng không phải dung lượng file bao nhiêu thì cần dung lượng bộ nhớ bấy nhiều. Một máy in có 32MB RAM vẫn đủ sức in 1 tài liệu nặng 100MB như thường. Các nhà sản xuất thường trang bị bộ nhớ cho máy in theo cường độ sử dụng, các máy in được nhiều trang hơn trong 1 tháng sẽ có bộ nhớ RAM lớn hơn và ngược lại. Ngoài ra, 1 số máy còn cho nâng cấp bộ nhớ RAM tuỳ theo nhu cầu người dùng.

Ngôn ngữ in:
   Máy in thì có rất nhiều loại khác nhau nhưng tất cả đều gặp chung một vấn đề: chúng phải giao tiếp với máy vi tính thông qua một giao thức gọi là PDL (Page Definition Language). Có 2 loại PDL phổ biến nhất là PostScript do Adobe phá triển và PCL (Page Command Language) của HP. Ngôn ngữ của HP rất đơn giản và cố gắng đẩy hết mọi công việc cho máy tính xử lý nhằm giảm chi phí cho máy in trong khi ngôn ngữ của Adobe mạnh mẽ hơn, phức tạp hơn và đầy đủ tính năng dành cho dân chuyên nghiệp.

   Trước đây thì các in máy PostScript luôn tốt hơn rất nhiều so với PDL nhưng gần đây thì khoảng cách này đã ngày càng được rút ngắn. Điều bạn quan tâm chỉ là liệu hệ điều hành mà mình đang sử dụng (Mac OS hay Linux chứ Windows thì tốt rồi) có driver cho các máy in của mình hay không. Hiện tại thì có 1 số giao thức mà máy in của bạn nên hỗ trợ, chẳng hạn như Direct PDF Printing cho phép máy in PostScrit in 1 file PDF mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ máy tính.

Duplex:

   Ký hiệu này chứng tỏ máy in của bạn có chức năng in được giấy 2 mặt mà không cần phải đảo mặt giấy.

Các loại kết nối máy in:

   Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy in có cổng kết nối đa dạng như USB, kết nối qua Wifi, Bluetooth, Apple Airprint, Google Cloud Print, iPrint (của Epson), ePrint (của HP) … Loại máy đi kèm với thông số Stand-Alone, Walk-Up có nghĩa là máy của bạn có thể kết nối với USB trực tiếp.

Paper trap:

   Trữ lượng khay giấy cùng các thống số giấy đi kèm giúp bạn lựa chọn được loại giấy phù hợp với máy in.